Deal (thương lượng) là một phần của Poker. Trong bài viết hôm nay, mình sẽ giải thích giúp các bạn hiểu cặn kẽ về deal, bao gồm deal giải khi đánh tournament và deal giữa các nhà all in khi đánh cash.
Bạn có nên deal không?
Nguyên tắc bất di bất dịch là nếu bạn không hiểu rõ về cách deal thì tuyệt đối không bao giờ chấp nhận deal, vì khả năng cao deal đối thủ đưa ra sẽ đem lại bất lợi cho bạn, có lợi cho họ. Tuy nhiên, nếu bạn hiểu rõ về cách deal và cảm thấy hợp lý thì deal là một cách giảm variance, giảm yếu tố may rủi rất tốt. Có những người hay lớn tiếng kiểu “tao đánh poker không bao giờ thèm deal“, “chia 1 lần cho máu“, “không chấp nhận deal bao giờ thì bọn nó mới sợ mình“, nhưng đó thường là những người có cái tôi quá lớn. Một người chơi chuyên nghiệp, có trách nhiệm với bankroll của mình luôn lắng nghe các đề xuất deal và chấp nhận chúng khi phù hợp. Nếu như các cao thủ cỡ Phil Ivey, Patrik Antonius còn deal khi đánh cash, Fedor Holz, bencb789 còn deal khi đánh tour… thì chẳng có lý do gì bạn phải tự cao cho rằng không deal mới là giỏi.
Deal trong tournament
Variance khi đánh tournament là rất lớn, chỉ 1 cú flip có thể ảnh hưởng đến kết quả 1 người về nhất 1 người về 9 với số tiền chênh lệch gấp 10 lần. Đó là lý do bạn thấy rất nhiều người deal khi đánh tour. Tuy nhiên, theo mình quan sát thấy, mọi người ở Việt Nam đang lạm dụng chuyện deal, deal cả những giải rất nhỏ, cá biệt có trường hợp deal 10 người bàn final luôn, deal để đỡ ngại với anh em bạn bè người quen trên bàn, deal để đảm bảo chút tiền, cảm giác an ủi rằng mình chơi ngày hôm nay cũng có ít tiền mang về, không phải là vô ích. Tại sao trong các giải quốc tế, người chơi Việt Nam rất hay vào sâu nhưng lại ít khi vô địch, số lần về nhì nhiều hơn rất nhiều về nhất? Đó là vì họ không hề có kinh nghiệm đánh short handed (ít người) hay đánh heads up, nên bất lợi lớn khi đối đầu với các đối thủ lão luyện nước ngoài.
Lời khuyên của mình cho các bạn là:
- Không bao giờ deal các giải nhỏ hàng ngày ở các CLB. Hãy coi đó là cơ hội luyện tập, tích luỹ kinh nghiệm.
- Ngoại lệ là khi deal các đối thủ đề xuất quá tốt cho bạn (free money):
- Khi bạn short nhất và mọi người đề xuất bubble deal (cho thêm tiền cho nhà bubble)
- Cho bạn nhiều tiền hơn so với ICM. Chẳng hạn Dan Smith – VĐV nổi tiếng người Mỹ – thậm chí từng deal được nhiều tiền hơn cả giải nhất tại giải Sunday Million trên Pokerstars, khi các đối thủ của anh tỏ ra quá thiếu kinh nghiệm khi deal.
- Trình độ các đối thủ còn lại quá giỏi so với bạn, khả năng cao đánh nữa sẽ thua, nhưng họ lại không biết deal, cho bạn deal ICM bình thường
- Ngoại lệ thứ 2 là khi số tiền chênh lệch giữa các giải quá lớn so với bankroll của bạn, chẳng hạn khi bạn vào final của các giải NPC, APT, APL… với các pay jump cả trăm triệu VND. Ví dụ khi bạn đang heads up với giải nhất 1.2 tỷ, giải nhì 700 triệu, và bình thường bạn không bao giờ chịu đánh heads up nhất ăn tất 500 triệu VND thì chẳng có lý do gì lúc này không deal.
Cách deal trong tournament
- Chỉ nên deal khi còn 2-4 người với trình độ không quá chênh lệch, stack không quá chênh lệch. Nếu trên bàn còn một vài người chơi rất kém hoặc rất short thì không nên deal, đợi họ bị loại đã.
- Deal theo ICM (https://www.icmpoker.com/icmcalculator/) vẫn là cách deal công bằng nhất, được đại đa số người chơi chuyên nghiệp sử dụng. Chỉ cần nhập stack của từng người và cơ cấu giải, máy tính sẽ đưa ra con số hợp lý. ICM không tính đến chênh lệch trình độ, lợi thế vị trí của các người chơi, vv… nên đôi khi, một người chơi ở đẳng cấp vượt trội so với các đối thủ có thể đề nghị đòi thêm tiền so với ICM.
- Deal theo chip chop: chia giải thưởng theo % số stack. Ví dụ nếu player A cầm 2/3 tổng số chip thì cũng sẽ chia cho A 2/3 tổng giải thưởng. Đây là một cách chia nghe qua có thể thấy công bằng, nhưng lại là một phương pháp để lừa những người thiếu kinh nghiệm deal. Chip chop cực kỳ có lợi cho các nhà nhiều chip, đôi khi giúp họ đạt nhiều tiền hơn cả giải nhất. Nếu bạn là nhà big stack, hãy đề xuất cách deal này (nhất là khi stack mọi người không quá khác biệt, để đối thủ không nhận ra sự bất công trong cách chia). Nếu bạn là nhà short stack, tuyệt đối từ chối. Lưu ý: chip chop và ICM chop cho kết quả như nhau nếu là heads up.
- Deal kiểu save: ví dụ 2 người heads up, giải nhất 50 triệu giải nhì 35 triệu (tương đương đánh heads up 15 triệu), thì đề xuất mỗi người bỏ bớt chút tiền giống nhau khỏi prize pool, thành giải nhất 45 triệu giải nhì 40 triệu chẳng hạn (tương đương đánh heads up 5 triệu). Save là cách deal rất có lợi cho nhà short stack, vì khi short, bạn đang ở thế yếu, thay vì đánh heads up 15 triệu mà phần trăm lớn là bạn thua thì chỉ đánh heads up 5 triệu thôi, giảm thiệt hại. Người chơi nghiệp dư thường rất thích kiểu deal này ngay cả khi họ đang là big stack, vì họ thích cảm giác đảm bảo cầm được một số tiền kha khá về, mà không nghĩ gì đến ảnh hưởng của nó đến lợi nhuận đường dài.
Deal khi đánh cash
Ba phương pháp phổ biến để giảm variance mỗi lần all in khi đánh cash gồm:
Chia nhiều lần
Đây là lựa chọn tốt nhất mà mình khuyên các bạn luôn dùng. Một vài người nhầm lẫn khi nghĩ rằng, chia nhiều lần như thế thì tốt hơn cho người đang mua, vì có nhiều cơ hội hơn để mua ra. Sự thực thì hoàn toàn không có bất cứ sự khác biệt nào về lâu dài, dù bạn chia 1 lần hay 30 lần, dù bạn đang dẫn hay là người đi mua, dù đối thủ đang mua 2 outs hay đang mua 15 outs. Ảnh hưởng duy nhất là giảm variance (giảm hên xui). Bất cứ người chơi poker giỏi nào quan tâm đến quản lý bankroll cũng nên LUÔN đồng ý chia nhiều lần. Tôi chỉ có thể nghĩ ra 3 trường hợp mà chia 1 lần sẽ tốt hơn:
- Đối thủ chơi rất kém khi deep stack. Chia 1 lần sẽ double up 1 trong 2 người, và nếu người kia rebuy với stack tương đương, ta sẽ có thể chơi deep stack poker
- Đối thủ thường hay tilt khi thua ván lớn (và ta thì không bao giờ tilt)
- Đối thủ không có bankroll tốt, dễ bị ảnh hưởng bởi lượng tiền được bet, và sẽ chơi một cách sợ sệt nếu biết bạn sẽ không bao giờ chấp nhận deal
Tuy nhiên đây chỉ là lý thuyết. Trên thực tế, thường thì việc chia nhiều lần, có trách nhiệm với bankroll của bạn thường sẽ khiến bạn tiến xa hơn, tiến nhanh hơn, chắc chắn hơn trên con đường poker chuyên nghiệp.
Mua bảo hiểm
Khi bạn all in và đang dẫn, nhưng đối thủ vẫn có cửa thắng ngược, nhiều người chơi chấp nhận mua bảo hiểm. Đây là 1 tính năng được đề xuất bởi 1 số trang poker online thuộc ggpoker (ví dụ Natural8, w88, cards88…) và 1 số nơi đánh cash game. Ví dụ khi bạn đang dẫn với 75% ăn, và pot là 100 triệu, tỉ lệ thắng của bạn là 75%:25% hay 3:1. Nếu bạn mua bảo hiểm 10 triệu với tỉ lệ công bằng, thì khi bạn thắng (điều sẽ xảy ra thường xuyên), bạn sẽ mất cho nhà cái 10 triệu, còn khi bạn thua, bạn sẽ nhận lại 30 triệu, giảm bớt thiệt hại. Tuy nhiên nhà cái không bao giờ cho bạn tỉ lệ công bằng. Ví dụ đây là bảng odds của ggpoker:
Khi đối thủ có 5 outs ở turn (~10% thắng), odds đúng của bạn phải là 9:1, nhưng nhà cái ở đây chỉ cho bạn odds 6:1 mà thôi, một sự chênh lệch cực lớn. Nhiều người chơi thiếu kinh nghiệm rất thích tính năng bảo hiểm này, vì họ sợ cảm giác thua, sợ cảm giác mất pot, sợ cảm giác tay trắng, sợ cảm giác bad beat, muốn rằng trong trường hợp đen đủi bị thua ngược thì cũng cầm lại được chút gì an ủi. Đây là cách nghĩ hoàn toàn sai lầm:
- Không có khái niệm “dây đen, dây đỏ” gì cả trong poker
- Bạn vẫn còn đang bị tâm lý muốn ăn pot, và sợ hãi khi nghĩ đến viễn cảnh bị bad beat thua pot lớn. Trong poker, chỉ nên nghĩ đến EV – Expected Value. Hãy vững tin là nếu bạn luôn thực hiện các hành động +EV thì lợi nhuận chắc chắn sẽ đến với bạn.
- Nếu số tiền quá lớn khiến bạn thà chịu mất tiền mua bảo hiểm – một hành động cực kỳ âm EV – còn hơn chịu rủi ro, bạn đang đánh vượt quá stake của mình. Hãy xuống đánh bàn dưới, build bankroll lên dần để có thể chơi poker một cách hoàn hảo mà không để tâm lý làm ảnh hưởng nữa.
- Bạn sẽ không bao giờ nhìn thấy một người chơi chuyên nghiệp ở đẳng cấp cao (cỡ Tom Dwan, Phil Ivey, Doug Polk…) mua bảo hiểm. Những người mua bảo hiểm bạn thấy trên TV đa số là người chơi lạc hậu kiểu Phil Hellmuth, những người không hiểu về toán, vẫn đánh theo cảm giác, vẫn để tâm lý chi phối.
Lời khuyên của mình là: Tuyệt đối không bao giờ chấp nhận mua bảo hiểm poker trong mọi tình huống. Tuy nhiên nếu trên bàn có nhà nào muốn mua bảo hiểm từ bạn với tỉ lệ odds thiệt cho họ thì luôn đồng ý , trong giới hạn bankroll của bạn.
Save
Tương tự như save trong tournament deal, ở đây mỗi nhà lấy bớt 1 số tiền ra, hoặc nhà cửa dưới được rút về 1 số tiền rồi chấp nhận thua luôn (https://www.youtube.com/watch?v=rNMDVHoDNXM). Trong đa số trường hợp, cách deal này có lợi cho nhà cửa dưới. Nếu bạn đang dẫn, hầu như không nên chấp nhận deal thế này.
Tóm tắt
- Không nên deal trong các tour nhỏ ở Việt Nam, dùng cơ hội đó để luyện đánh, chuẩn bị kinh nghiệm cho các giải lớn về sau
- Trong các trường hợp khác, đặc biệt là cash game, luôn chấp nhận deal nếu nó không phải -EV cho bạn, để giảm variance
- Cách deal tốt nhất, công bằng nhất khi đánh tour là ICM chop
- Cách deal tốt nhất, công bằng nhất khi đánh cash là chia nhiều lần
- Không bao giờ nên mua bảo hiểm
Theo Vietpoker